(CATP) Trong khi Đảng và Nhà nước khuyến khích trồng rừng để bảo vệ môi trường thì một thời gian dài người dân dưới tán rừng U Minh lại không được phép thực hiện việc này. Có lúc cán bộ LNT phát động người dân trồng, khi lại cấm, gây lãng phí hàng ngàn héc-ta đất.
TỪ NHỮNG VẠT TRÀM “LÉN”
>> Những “địa chủ mới” ở rừng U Minh: Đủ kiểu hạch sách dân nghèo (kỳ 2)
>> Những “địa chủ mới” ở rừng U Minh (kỳ 1)
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Công ty TNHH một thành viên U Minh Hạ (gọi tắt là Công ty U Minh Hạ) còn 3.430/24.700ha đất rừng trống; trong đó, công ty trực tiếp quản lý 1.553ha, còn lại là của dân và các doanh nghiệp thuê đất. Những ngày mục sở thị ở các LNT, chúng tôi phát hiện nhiều chuyện lạ đời. Trong khi Đảng và Nhà nước phát động người dân trồng rừng thì một số lâm phần lại cấm. Nhiều năm liền hàng ngàn héc-ta đất rừng bỏ trống. Ông Huỳnh Văn Tửng, hộ liên doanh liên kết trồng rừng ở Phân trường Sông Trẹm (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) cho biết, năm 2006 khi LNT cấm không cho người dân thực hiện việc này, ông và nhiều hộ đã kéo lên hỏi cho ra lẽ. Đại diện LNT cho rằng các hộ gần hết hợp đồng, không đủ chu kỳ và tỉnh định thu hồi đất giao công ty để cho thuê. Nhiều hộ buồn bã quay về bởi không biết sẽ sống thế nào trong những ngày tới. Nhiều năm liền sống dưới tán rừng, ông Tửng biết chủ trương ấy vẫn còn trên giấy, khi nào Nhà nước thu hồi hẵng hay và người dân phân khu bắt đầu “trồng tràm lén”.
Thế là mỗi buổi tối, ông Tửng cùng các con ra rừng trồng tràm. Nhớ lại thời “bị cấm trồng rừng”, ông cười khà khà: “Vậy mà tao trồng được 20ha chứ có ít đâu. Nếu không, đất đó còn trống đến bây giờ, phí biết bao nhiêu mà kể!”. Ông Trần Văn Sơn cho biết, thời gian trên khi người dân khai thác xong, LNT đưa ra “chiếu chỉ” cấm dân trồng rừng. Ông tâm sự: “Nói sống dưới tán rừng nghèo là có thật, nhưng ở rừng mà không trồng rừng thì coi sao được! Mấy năm chờ hoài không thấy LNT xóa “chiếu chỉ” trên, tôi trồng lén được khoảng chục héc-ta”. Ông Hai Vĩnh chỉ vạt tràm sau nhà nhớ lại, năm 2007 ông khai thác được 20ha nên đi mua giống về trồng. Về đến nhà chưa kịp nuốt miếng cơm vô bụng, ông rụng rời nghe vợ nói số tràm phải bỏ vì LNT không cho trồng. Mặc đêm tối, ông bơi xuồng đến LNT hỏi cho ra lẽ. Khi biết đó là sự thật, toàn bộ số tràm giống đành bỏ hư hoặc trôi hết. Hai năm sau thấy đất bỏ trống uổng quá nên ông lại lén trồng rừng. Theo báo cáo của Công ty U Minh Hạ, số diện tích rừng bỏ trống hơn 800ha; chỉ riêng xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời có hàng trăm héc-ta bỏ hoang nhiều năm qua.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Công ty U Minh Hạ xác nhận: “Sau khi khai thác xong, tỉnh có chủ trương thu hồi đất của dân cho nhà máy giấy thuê nhưng không được nên lại tiếp tục chờ. Những năm sau, tỉnh xem xét lại hộ liên doanh liên kết, làm hợp đồng mới nên chưa có chủ trương. “Nếu người dân trồng rừng, đất bị thu hồi sẽ xảy ra tranh chấp”, một cán bộ LNT giải thích. Lý do trên hết sức bất ngờ với chúng tôi. Từ ngày đất nước thống nhất, các chủ trương chính sách về rừng đều quy định sau khai thác phải trồng lại ngay mùa liền kề hoặc chậm nhất là 24 tháng. Đặc biệt, Quyết định (QĐ) 661/QĐ-TTg ngày 29-7-1998 của Chính phủ về việc trồng 5 triệu ha rừng thì quy định này càng nghiêm ngặt hơn. Thế nhưng ở Cà Mau tình trạng bỏ rừng hoang diễn ra hơn 5 năm trời mà chưa có cán bộ quản lý nào bị kỷ luật hoặc chịu trách nhiệm việc này?
ĐẾN “NHÀ NHÀ, NGƯỜI NGƯỜI TRỒNG RỪNG”
Gần 10 năm, hàng loạt người dân phát hiện bị ăn chặn công sức lao động. Giai đoạn 2000-2002, LNT Trần Văn Thời phát động “nhà nhà, người người trồng rừng” để bảo vệ môi trường xanh. Những cuộc họp dân, các hộ được cán bộ LNT hướng dẫn, động viên thực hiện tốt công tác này, nhưng mãi đến nay họ mới biết thực chất cuộc vận động trên. Ngày 29-7-1998, Thủ tướng Chính phủ ký QĐ 661/QĐ-TTg hỗ trợ tiền cho người dân trực tiếp trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thế nhưng người thực hiện không được lãnh, vậy số tiền hỗ trợ chạy vào túi ai? Ông Nguyễn Hoài Tâm kể: “Ngay cả tôi từng là cán bộ tiểu khu thuộc LNT Trần Văn Thời vẫn không hề hay biết về những chủ trương chính sách mới của Chính phủ. Thấy quyền lợi của người dân bị ăn chặn, tôi đón đò ra tỉnh gặp đồng đội cũ xin QĐ trên. Đến nay, “con kiến kiện củ khoai”, khiếu nại của người dân chẳng ai giải quyết”.
Thật bất ngờ, năm 2008 Chính phủ thí điểm việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai ở khu vực miền Trung bằng QĐ 380/QĐ-TTg ngày 10-4-2008. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010, chính thức thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên phạm vi cả nước. Tại nghị định này, Chính phủ chỉ đạo phải triển khai sớm và rộng rãi đến các đối tượng trồng rừng để kịp thời động viên, khuyến khích họ. Kết quả ở các tỉnh miền Trung cho thấy người trực tiếp thực hiện có thể được trả 100.000 đồng/ha/năm, tùy theo đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng tại địa phương nhiều hay ít. Còn người dân ở U Minh tham gia trồng rừng thì chẳng nhận được sự hỗ trợ nào!
Tại khu vực rừng sản xuất thuộc các xã khó khăn (phần lớn lâm phần của LNT Trần Văn Thời thuộc xã Khánh Bình Tây Bắc, xã khó khăn trong danh mục), người dân trồng rừng được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha. Biết bị bưng bít thông tin, họ tìm ra hồ sơ nhận tiền hỗ trợ theo QĐ 661/QĐ-TTg của một số hộ ở tiểu khu 50 và 51 LNT Trần Văn Thời, mỗi hộ nhận 5 triệu đồng/2ha, trong khi 35 hộ khác thuộc hai tiểu khu này cũng trồng rừng như nhau nhưng lại không được đồng nào?
(Còn tiếp)
Nguồn: http://www.blogger.com/blogger.